Có trên phiên bản iOS 17.3 dành cho các nhà phát triển, SDP tạo ra lớp bảo mật thứ hai để người sở hữu iPhone trái phép khó phá hoại thiết bị, ngay cả khi biết mật khẩu của máy.
Cụ thể, trong trường hợp iPhone đang “ở một địa điểm không thường xuyên liên quan đến chủ sở hữu” và SDP được bật, thiết bị sẽ yêu cầu nhận diện khuôn mặt Face ID và mã PIN nếu đang thực hiện các tác vụ “nhạy cảm” như xem mật khẩu đã lưu, đổi mật khẩu hoặc xóa tài khoản iCloud khỏi điện thoại. Do đó, nếu chỉ biết mật khẩu thông thường, kẻ xấu vẫn không thể thực hiện được nhiều thao tác trên máy.
Bên cạnh đó, Apple cũng tạo độ trễ cho các hành động như đổi mật khẩu Apple ID, cập nhật cài đặt bảo mật Apple ID, thay mật mã hoặc cài đặt Touch/Face ID, tắt tính năng Find My hoặc Stolen Device. Thời gian trễ là một tiếng thay vì có hiệu lực lập tức như trước.
Tính năng mới xuất hiện sau khi WSJ đăng bài viết về một số kẻ lừa đảo thường xuyên để ý người dùng nhập mật khẩu iPhone nơi công cộng, sau đó tìm cách đánh cắp thiết bị. Khi có được iPhone, kẻ xấu sẽ dùng mật khẩu này để tắt các biện pháp bảo vệ chống trộm như Activation Lock hay Lost Mode.
Trong phiên bản iOS 17.3 beta, người dùng có thể kích hoạt tính năng bằng cách vào Cài đặt > Face ID và Mật mã > Bảo vệ thiết bị bị đánh cắp.
“Khi các mối đe dọa đối với iPhone liên tục xuất hiện, chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng. Trong những trường hợp hiếm hoi kẻ trộm có thể quan sát thấy người dùng nhập mật khẩu rồi đánh cắp thiết bị, SDP sẽ bổ sung một lớp bảo vệ mới tinh vi hơn”, phát ngôn viên của Apple cho biết ngày 12/12.
Phiên bản iOS 17.3 chính thức dự kiến ra mắt đầu năm sau. Apple vừa phát hành iOS 17.2 đến tay người dùng với nhiều cải tiến, gồm chức năng cho Journal (Nhật ký), tích hợp dịch nhanh ngôn ngữ cho nút Action trên iPhone 15 Pro và 15 Pro Max, cải thiện lấy nét cho ống tele, tiện ích mới cho ứng dụng thời tiết, hỗ trợ bộ sạc Qi2 cho các mẫu iPhone 13 và iPhone 14 cũng sửa lỗi về sạc không dây trên ôtô.
Bảo Lâm