Sáng 16/12, người dùng YouTube tại Việt Nam bất ngờ thấy một video quảng cáo về Apple xuất hiện trên nền tảng. Video có mô tả và phụ đề bằng tiếng Việt, được đăng trên kênh có tên Apple Việt Nam.
Phần giới thiệu thể hiện đây là kênh chính thức của Apple Việt Nam, thuộc hệ thống kênh của Apple toàn cầu và có dấu tích xám xác nhận. Kênh được lập từ ngày 6/12, nhưng đăng đồng loạt 11 video vào sáng nay và thiết lập ở chế độ tắt bình luận. Một video quảng cáo iPhone 14 Pro đạt hơn 300.000 lượt xem sau 10 tiếng.
Hệ thống kênh YouTube của Apple có khoảng 24 kênh. Ngoài Apple Support và Apple TV, hơn 20 kênh còn lại dành riêng cho từng thị trường. “Các thị trường có kênh riêng đều có Apple Store, nên nhiều khả năng đây là dấu hiệu Apple sắp mở cửa hàng chính hãng” người dùng tên Lâm Nguyễn bình luận trên một cộng đồng người dùng Apple.
Đại diện một hệ thống bán lẻ đánh giá việc xây dựng kênh YouTube không đồng nghĩa với Apple Store, nhưng là dấu hiệu cho thấy hãng ngày càng quan tâm đến thị trường Việt.
Giới kinh doanh sản phẩm Apple cho biết tin đồn Apple Store ở Việt Nam không mới nhưng gần đây, có nhiều tín hiệu cho thấy điều này sớm trở thành hiện thực. “Trước đây, Việt Nam ở mức tier 4-5 trong xếp hạng mức độ ưu tiên của Apple, gần đây đã lên tier 3 và đang trên đường trở thành tier 2. Thậm chí, với một số chính sách sản phẩm và dịch vụ, chúng ta đã là tier 2”, đại diện một đại lý ủy quyền Apple nói.
Người này đánh giá, với tốc độ phát triển như hiện tại, Việt Nam có thể đạt điều kiện trở thành thị trường ưu tiên ở mức cao nhất vào năm 2024. Khi đó, hãng sẽ mở Apple Store và bắt đầu bán iPhone và các sản phẩm khác cùng thời gian với các thị trường quan trọng như Mỹ, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Australia. Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh đây mới chỉ là mục tiêu Apple hướng tới, chưa phải kế hoạch chính thức.
Trước đó, Apple có nhiều động thái thể hiện sự quan tâm đến thị trường trong nước. Trong cuộc họp báo cáo tài chính hai quý gần đây, các lãnh đạo Apple đều nhắc đến Việt Nam như một điểm sáng về tình hình kinh doanh, đóng góp vào các kỷ lục của hãng nhờ mức tăng trưởng hai con số.
Dù chưa có Apple Store như các thị trường láng giềng Thái Lan hay Singapore, những năm trở lại đây, người dùng Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi trong cách bán hàng của Apple. Hãng tăng sự hiện diện thông qua các chuỗi cửa hàng chuyên biệt, như FPT Studio, TopZone, Shopdunk Mono Store. Thị trường Việt Nam cũng lần đầu có Giám đốc Apple quốc gia, thay vì giám đốc vùng phụ trách chung như trước.
Nguồn: Lưu Quý