Ngày 7/12, Apple giới thiệu Advanced Data Protection, chế độ mã hóa dữ liệu mới cho dịch vụ đám mây iCloud. Khi kích hoạt tính năng này, các dữ liệu như bản sao lưu thiết bị, tin nhắn trong iMessage, ảnh, file ghi âm… sẽ được mã hóa đầu cuối, đảm bảo không ai đọc được kể cả Apple.
Theo Apple, tính năng mới nhằm bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công mạng tinh vi. “Khi khách hàng ngày càng đưa nhiều thông tin cá nhân vào thiết bị, chúng trở thành đối tượng tấn công của những tin tặc công nghệ cao”, Craig Federighi, Phó chủ tịch Kỹ thuật Phần mềm Apple chia sẻ.
Chế độ mã hóa dữ liệu đầu cuối của Apple nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng. Tuy nhiên theo WSJ, một số cơ quan như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và chính phủ các nước có thể không hài lòng với quyết định trên.
Apple từng gây chú ý khi không hỗ trợ các cơ quan pháp luật truy cập dữ liệu trên những chiếc iPhone có mật khẩu. Điều đó dẫn đến nhiều tranh cãi, tạo ra thị trường màu mỡ cho các công cụ hack iPhone.
Tuy nhiên, Táo khuyết vẫn có thể giao phần lớn dữ liệu trên bản sao lưu iCloud nếu có lệnh khám xét. Hãng đã nhận yêu cầu cung cấp thông tin của 7.122 tài khoản Apple từ chính phủ Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021.
Với tính năng bảo mật mới, Apple sẽ không còn khả năng truy cập dữ liệu lưu trên bản sao lưu iCloud như trước đây. Trong tuyên bố mới nhất, đại diện FBI bày tỏ lo ngại khi tính năng có thể ảnh hưởng các cuộc điều tra tội phạm.
“Chúng cản trở khả năng của chúng tôi trong việc bảo vệ người dân Mỹ khỏi những tên tội phạm, từ tấn công mạng, bạo lực trẻ em đến buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức và khủng bố”, đại diện FBI cho biết. Cơ quan này đòi hỏi một “thiết kế để truy cập (dữ liệu) theo pháp luật”.
Chia sẻ với WSJ, các cựu quan chức luật pháp và tình báo bày tỏ ngạc nhiên với quyết định của Apple, một phần bởi công ty từng do dự trong việc ra mắt tính năng mã hóa trên iCloud.
Ciaran Martin, cựu Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Vương quốc Anh, cho rằng tính năng mã hóa iCloud đầu cuối của Apple có thể gây rắc rối pháp lý cho công ty tại một số quốc gia, những nơi đặt biện pháp hạn chế dành cho các hãng công nghệ từ chối đáp ứng lệnh hành pháp.
Federighi cho biết tùy chọn mã hóa đầu cuối dành cho iCloud đã xuất hiện trong bản thử nghiệm của iOS 16.2 từ ngày 7/12. Tính năng này sẽ ra mắt rộng rãi tại Mỹ vào cuối năm, và trên toàn thế giới từ năm 2023.
Tổng cộng 23 mục sao lưu trên iCloud sẽ được mã hóa đầu cuối. Các ứng dụng gồm email, danh bạ và lịch sẽ không được hỗ trợ bởi Advanced Data Protection do sử dụng giao thức công nghệ đời cũ.
Do tính bảo mật cao, người dùng cần cài thêm một số cách khôi phục dữ liệu, bao gồm mật khẩu hoặc chỉ định người thân. Ngoài chế độ mã hóa mới, Apple cũng tăng cường bảo mật cho ứng dụng nhắn tin, bổ sung tính năng giúp đăng nhập tài khoản Apple bằng khóa bảo mật vật lý.
“Chúng tôi cho người dùng tùy chọn chỉ giữ mật khẩu giải mã trên thiết bị của họ. Điều đó đồng nghĩa kể cả tin tặc xâm nhập vào máy chủ đám mây, mọi dữ liệu hoàn toàn vô nghĩa bởi thiếu mật khẩu giải mã”, Federighi cho biết.