Những thất bại thiết kế của Apple
Apple từng có nhiều thiết kế được đánh giá là không thành công, như TV Macintosh hay sự cố ăng-ten iPhone 4 nổi tiếng.
Nhiều sản phẩm Apple được ca ngợi về thiết kế mang tính thẩm mỹ cao, đầy táo bạo và dẫn dắt thị trường. Tuy vậy, không phải thiết kế nào của hãng cũng thành công.
TV Macintosh
Năm 1993, trước khi có Apple TV, Apple đã tạo ra một chiếc Macintosh có chức năng xem truyền hình. Về cơ bản, sản phẩm là sự kết hợp một phần máy Mac và một phần TV. Với kiểu dáng cồng kềnh cùng giá bán 2.099 USD, thiết bị không được người dùng quan tâm và doanh số kém tới mức Apple “khai tử” nó chỉ sau ba tháng phát hành.
Apple Newton
Newton là thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân PDA được đánh giá đi trước thời đại của Apple. Công ty bắt đầu phát triển nền tảng năm 1987 và xuất xưởng các thiết bị đầu tiên năm 1993. Điểm nhấn của Newton là khả năng nhận dạng chữ viết tay. Tuy vậy, trải qua nhiều phiên bản, tính năng này vẫn bị đánh giá là rất tệ. Theo một số nguồn tin nội bộ, Steve Jobs dường như rất ghét Newton. Ông đã ngay lập tức ngừng sản xuất PDA này khi trở lại Apple vào năm 1997.
Chuột iMac đời đầu
iMac thế hệ đầu là biểu tượng cho sự phát triển của máy tính sau này, nhưng con chuột đi kèm lại bị chê là “rất khủng khiếp”. Sản phẩm có thiết kế hình tròn, rất khó sử dụng do việc điều hướng gặp nhiều khó khăn, buộc người dùng phải nhìn vào chuột mỗi khi điều khiển.
iPod Shuffle Gen 3 không phím điều khiển
Shuffle thế hệ thứ ba là thiết bị nhỏ gọn, không màn hình, cho phép nghe nhạc mà không gây mất tập trung. Tuy nhiên, Apple cũng cắt giảm gần hết các phím điều khiển trên máy, buộc người dùng phải thao tác thông qua tai nghe có dây. Thiết kế mới gây bất tiện và bị người dùng phản ứng. Apple sau đó nhận ra sai lầm và đưa hệ thống phím điều khiển trở lại trên iPod Shuffle Gen 4.
Sự cố Antennagate của iPhone 4
iPhone 4 được cho là một trong những thiết bị mang tính biểu tượng và đẹp nhất mà Apple từng tạo ra. Tuy vậy, việc cầm smartphone này không đúng cách có thể khiến nó không nhận được tín hiệu mạng.
Trên iPhone 4, Apple thiết kế khung kim loại kiêm vai trò ăng-ten cho máy. Tuy nhiên, khi chạm vào cạnh dưới bên trái điện thoại, tín hiệu mạng bị giảm đáng kể. Khi bị người dùng phàn nàn, cố CEO Apple Steve Jobs cho rằng họ “cầm sản phẩm sai cách”. Dù vậy, Apple cuối cùng phải thừa nhận vấn đề và “chữa cháy” bằng cách ra ốp lưng mới nhằm giảm thiểu sự cố, đồng thời khắc phục trên mẫu iPhone 4s.
Vị trí cổng sạc của chuột Magic Mouse 2
Magic Mouse 2 được đánh giá cao về thiết kế cũng như khả năng thao tác, ngoại trừ cổng sạc được đặt ở mặt dưới thiết bị. Nhiều người phản ánh họ không thể sử dụng chuột trong khi sạc, cũng như việc sạc gặp nhiều bất tiện.
‘Thùng rác’ Mac Pro
Máy tính Mac Pro 2013 được đánh giá là thiết kế mang tính đột phá của Apple. Tuy nhiên, sản phẩm bị ví với thùng rác ngay sau khi ra mắt. Thực tế, việc thiếu khả năng nâng cấp và rất khó sửa chữa khiến sản phẩm không nhận được sự ủng hộ. Năm 2019, Apple quay lại thiết kế dạng tháp cho Mac Pro.
iPhone 6 dễ bị uốn cong
iPhone 6 và 6 Plus là những mẫu iPhone đầu tiên có thiết kế cạnh bo cong của Apple. Đây cũng là hai trong số các model bán chạy nhất của hãng. Tuy vậy, nhược điểm của smartphone này là dễ bị uốn cong.
Apple từng tuyên bố “chỉ số ít” người dùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các thử nghiệm nội bộ của Apple, sau này được tiết lộ trong tài liệu của tòa án, cho thấy iPhone 6 Plus có khả năng bị uốn cong cao hơn 7,2 lần so với iPhone 5s. Công ty Mỹ sau đó khắc phục vấn bằng cách sử dụng nhôm cứng hơn cho iPhone 6s.
Sạc Apple Pencil đời đầu
Mẫu bút cảm ứng Pencil đời đầu của Apple có thiết kế sạc bằng cách cắm trực tiếp vào cổng Lightning của iPad. Dù vậy, cách làm này khiến thiết bị trở nên cồng kềnh và dễ bị gãy cổng sạc nếu bất cẩn. Apple sửa sai bằng cách chuyển sang sạc không dây cho Pencil 2.
Phím cánh bướm
Bàn phím “bướm” siêu mỏng của Apple được giới thiệu lần đầu năm 2015 trên MacBook 12 inch và sau đó cho dòng máy MacBook Air, MacBook Pro. Tuy vậy, thiết kế này khiến bàn phím dễ hỏng nếu chẳng may kẹt bụi hoặc các mảnh vụn dưới phím. Apple đã nhận ra sai lầm và gần đây quay lại thiết kế phím dạng cắt kéo.
‘Tai thỏ’ trên MacBook
Theo The Next Web, phần “tai thỏ” trên iPhone X không lọt vào danh sách này bởi nó giúp tích hợp Face ID và tăng diện tích hiển thị. Nhưng với MacBook, cách làm này được đánh giá là khó hiểu và kỳ quặc.
Thực tế, “tai thỏ” trên MacBook Pro không chứa Face ID, chỉ có camera, micro và đèn LED thông báo. Việc tạo ra phần khuyết lớn trên màn hình được cho là không cần thiết, kém hữu ích bởi laptop có không gian hiển thị rộng hơn hẳn smartphone.
Một số ý kiến cho rằng Apple cố ý làm điều này chỉ để tăng khả năng nhận dạng thương hiệu cho MacBook Pro. Nhiều người dự đoán thiết kế mới sẽ “chết yểu” trong tương lai gần.
(theo The Next Web)