Apple vừa công bố bảng xếp hạng “Các ứng dụng được yêu thích nhất 2021” (App Store Awards 2021), do nhóm biên tập của App Store toàn cầu lựa chọn dựa trên tiêu chí lượt tải, chất lượng, công nghệ, thiết kế, tác động tích cực đến văn hoá, cộng đồng. Bên cạnh loạt ứng dụng nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube, Gmail… năm nay Việt Nam có 7/20 ứng dụng được vinh danh, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ giải trí, Fintech đến y tế.
Zalo
Đứng ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng App Store Awards 2021 là Zalo. Ngoài tính năng kết nối truyền thống như nhắn tin, nghe gọi, trong Covid-19, ứng dụng còn phát triển thêm tính năng như Zalo Connect giúp kết nối giữa người cần hỗ trợ với mạnh thường quân.
Tuy vậy, tính năng kết nối cũng bị một số người lạm dụng, đăng “cứu trợ ảo” gây nhiễu loạn. Việc công khai thông tin cá nhân của người cần hỗ trợ như địa chỉ, số điện thoại cũng là một trong những vấn đề gây lo ngại vì có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.
Sổ sức khoẻ điện tử
Ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử do Bộ Y tế phát hành vượt qua nhiều ứng dụng quốc tế như TikTok, YouTube để đứng ở vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng. Trên ứng dụng, mỗi người có một sổ y bạ kết nối trực tiếp với hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân của Bộ Y tế. Trong Covid-19, Sổ sức khoẻ điện tử là một trong những ứng dụng chống dịch quan trọng trong việc đăng ký, nhận kết quả tiêm chủng, khai báo y tế, đặt lịch khám tại cơ sở y thế, theo dõi hồ sơ cá nhân…
Sau nhiều đợt nâng cấp, Sổ sức khoẻ điện tử được đánh giá hoạt động ổn định, dù một số người vẫn phản ánh tình trạng chưa được ghi nhận đầy đủ thông tin tiêm chủng hoặc sai thông tin cá nhân nhưng chậm được điều chỉnh.
VssID – Bảo hiểm xã hội số
Một ứng dụng công khác của Việt Nam xuất hiện ở vị trí 7 trong App Store Awards 2021 là VssID – Bảo hiểm xã hội số. Trên ứng dụng, người dân có thể tra cứu nhanh thông tin về thẻ BHYT; Quá trình tham gia BHXH, BHTN…; Thông tin hưởng (chế độ một lần: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp); sổ khám chữa bệnh.
VssID từng gây tranh cãi khi yêu cầu trả phí 1.000 đồng khi lấy lại mật khẩu. Sau nhiều phản đối của người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp thêm cách lấy lại mật khẩu miễn phí qua email, nhưng việc này vẫn gây cản trở cho người dùng không rành công nghệ.
PC-Covid
Ứng dụng chống dịch của Việt Nam đứng ở vị trí 11 trên bảng xếp hạng. Trên PC-Covid, người dùng có thể truy cập nhanh các tính năng về khai báo y tế, gửi phản án, quét mã QR và chứng nhận tiêm chủng vaccine. Bản cập nhật mới nhất cho phép người dùng có thể quét mã QR không cần kết nối Internet, hỗ trợ khai báo y tế nhanh, sửa thông tin cá nhân sai.
Thời gian đầu, PC-Covid được đánh giá hoạt động thiếu ổn định, nhiều tính năng thừa. Sau các bản cập nhật, ứng dụng đã hoạt động ổn hơn.
Zing Mp3
Zing MP3 đứng vị trí 13 và là một trong những dịch vụ nhạc số được ưa chuộng tại Việt Nam. Người dùng gần như có thể tìm và nghe nhạc sau khi tải ứng dụng về máy thay vì phải đăng ký, đăng nhập tài khoản như các ứng dụng quốc tế.
Điểm trừ là kho nhạc quốc tế không phong phú và tính năng gợi ý bài hát, sắp xếp nhạc bằng AI chưa tốt như Spotify hoặc Apple Music.
MBBank
Xếp thứ 17 là ứng dụng MBBank. Trên ứng dụng, người dùng có thể tự tạo một mã QR với linh vật, màu sắc tự chọn theo sở thích cá nhân. Từ mã này, người dùng có thể thanh toán, chuyển khoản không tiền mặt. Ứng dụng cũng tích hợp dịch vụ mở tài khoản online, dùng công nghệ định danh trực tuyến (eKYC) có độ an toàn và bảo mật cao để hạn chế đi lại và tiếp xúc đông người trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch bệnh.
Nhược điểm của MBBank được nhiều người dùng phản ánh là ứng dụng hay bị treo, không truy cập được… hay người không rành công nghệ phải mất nhiều thời gian để làm quen.
MoMo
Ngay sau MBBank là MoMo, ứng dụng Fintech duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong bảng xếp hạng năm nay của Apple. Momo là ví điện tử quen thuộc được nhiều người dùng vì thân thiện, dễ dùng và an toàn.
Trong Covid-19, MoMo không chỉ hoạt động như một ví điện tử mà còn tích hợp thêm các tính năng hỗ trợ người dân không gián đoạn trong sinh hoạt. Ứng dụng cho phép thực hiện các giao dịch thiết yếu hàng ngày từ chuyển/nhận tiền, nạp điện thoại, thanh toán hóa đơn điện nước, đi chợ, đổ xăng, mua sắm online hay thanh toán qua các nền tảng thương mại điện tử… So với Mobile Money, MoMo phải có kết nối Internet mới có thể sử dụng.