iPhone 13 cháy hàng nhưng Apple có thể không vui
Cuộc khủng hoảng chip, linh kiện điện tử toàn cầu khiến Apple không thể sản xuất iPhone 13 đủ để bán vào dịp cuối năm. Đây là cách “cháy hàng” mà Táo khuyết không mong muốn.
Apple nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm lượng iPhone 13 xuất xưởng năm 2021. Theo Bloomberg, hãng dự kiến số lượng iPhone sản xuất được giảm 10 triệu máy vì tình trạng thiếu chip từ đối tác.
Kế hoạch ban đầu của Apple là sản xuất 90 triệu máy thuộc dòng iPhone 13 trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, Táo khuyết vừa phải thông báo để nhiều đối tác giảm tốc độ, vì 2 nhà cung ứng quan trọng là Broadcom và Texas Instruments (TI) không giao đủ linh kiện.
Người mua iPhone 13 phải chờ cả tháng
Apple là một trong những công ty mua chip nhiều nhất thế giới. Các đơn hàng của họ thậm chí có thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu. Tuy nhiên, sức mua của Apple cũng không đủ giúp cho họ duy trì được sản xuất trong bối cảnh chuỗi cung chip trên toàn thế giới bị đứt gãy.
Khủng hoảng chip toàn cầu khiến các hãng công nghệ đều gặp khó, trong đó có cả Apple. Ảnh: The Verge.
TI là hãng cung cấp các chip điều khiển hiển thị, còn Broadcom bán linh kiện không dây cho Apple. Nếu không có chip điều khiển màn hình OLED của TI, Apple không thể hoàn thiện iPhone 13. Mặc dù TI có thể tự sản xuất một lượng nhỏ chip của họ, hãng này vẫn phụ thuộc phần lớn vào các đối tác gia công lớn như TSMC.
Theo Bloomberg, ngoài 2 cái tên nói trên, một số nhà cung ứng khác cũng không thể cung cấp đủ linh kiện cho Apple.
Sau thông tin này, giá cổ phiếu Apple đã giảm 1,6%. Cổ phiếu của Broadcom và TI cũng bị ảnh hưởng.
Do chuỗi cung ứng không đảm bảo, thế hệ iPhone 13 chậm đến tay người dùng. Apple mở đặt hàng iPhone 13 Pro, Pro Max từ cuối tháng 9, nhưng nhiều đơn hàng đến nay vẫn chưa đến tay người mua. Nếu đặt hàng vào thời điểm này, người dùng phải chờ đến giữa tháng 11 mới có iPhone mới.
Hiện tại, trạng thái ở nhiều cửa hàng Apple Store được đặt là “không sẵn hàng”. Các đối tác là nhà mạng của Táo khuyết cũng chưa có hàng để giao.
Nhiều cửa hàng của Apple hiện không còn iPhone 13. Thời gian chờ từ khi đặt hàng tới lúc nhận máy có thể kéo dài cả tháng. Ảnh: Engadget.
Dù iPhone 13 chậm đến tay người dùng, Apple vẫn kỳ vọng lượng hàng sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của người mua vào dịp mua sắm cuối năm. Doanh thu quý cuối năm 2021 của Táo khuyết có thể đạt 120 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2020.
Bloomberg nhận định đến “ông vua của giới công nghệ” như Apple cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ khủng hoảng chip. Tại sự kiện công bố iPhone 13, Apple cũng giới thiệu mẫu Watch Series 7 nhưng không nói đến ngày đặt hàng. Đến đầu tháng 10, tức là gần một tháng sau, hãng mới mở đặt hàng mẫu Watch mới, nhưng người dùng có thể phải chờ tới tháng 12 mới nhận được máy.
Từ giữa năm, CEO Tim Cook đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng từ khủng hoảng chip toàn cầu. TSMC, hãng gia công chip lớn nhất thế giới là đối tác của cả Apple lẫn Broadcom, TI. Dòng chip Apple A do TSMC sản xuất chưa bị ảnh hưởng. Dù vậy, việc các công ty khác không có đủ chip vẫn sẽ khiến tốc độ sản xuất iPhone 13 giảm mạnh.
Apple tìm đến đối tác Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng có thể còn kéo dài. Theo công ty theo dõi thị trường Susquehanna Financial Group, thời gian chờ từ khi đặt hàng và được nhận chip đã tăng lên đến hơn 21 tuần, tức là gần nửa năm. Thông số này đã tăng liên tiếp 9 tháng qua.
Bên cạnh việc thiếu linh kiện, giá cả cũng là yếu tố được Apple cân nhắc. Theo Nikkei, hãng chuẩn bị đưa nhà sản xuất màn hình Trung Quốc BOE Technology vào danh sách các đối tác cung ứng màn hình cao cấp cho iPhone.
Trước đó, LG và Samsung là công ty cung cấp màn hình OLED cho iPhone. Tuy nhiên, trong thời gian tới BOE có thể sẽ gia nhập danh sách đối tác cung cấp màn OLED trên mẫu iPhone 13. Việc ký kết có thể hoàn tất trong tháng này, theo nguồn tin của Nikkei.
Công ty Trung Quốc BOE bắt đầu tham gia cung ứng màn hình cho iPhone 13. Ảnh: Engadget.
Đây là lần đầu tiên BOE gia nhập danh sách hãng cung cấp màn hình cao cấp của Apple. Trước đó, công ty Trung Quốc đã bán màn OLED cho Apple, nhưng loại màn hình này chỉ được dùng làm linh kiện sửa chữa, thay thế cho các dòng iPhone tái chế. BOE cũng đảm nhận một phần đơn hàng màn hình LCD cho iPad.
Màn hình OLED là linh kiện đắt đỏ và khó sản xuất hơn hẳn so với LCD. Theo Nikkei, BOE đã mất nhiều năm mới có thể chen chân vào danh sách đối tác cao cấp của Apple. Việc có thêm hãng sản xuất thứ ba cũng giúp Táo khuyết có thêm thế mạnh khi đàm phán với hai nhà sản xuất Hàn Quốc.
Trước LG và Samsung, nhiều công ty sản xuất màn hình Nhật như Sharp, JDI và Innolux từng mất thị phần cung ứng cho Apple vào tay BOE. Tuy nhiên, cho đến nay hai hãng Hàn Quốc vẫn chiếm lợi thế ở phân khúc linh kiện cao cấp. BOE cũng chỉ cung cấp màn hình cho mẫu iPhone 13 giá rẻ hơn, còn thị phần màn hình iPhone 13 Pro, Pro Max vẫn hoàn toàn thuộc về Samsung.
Bản thân BOE cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu, cùng với khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng năng lượng này cũng khiến nhiều đối tác của Apple tại quốc gia tỷ dân như TPK Holding hay Pegatron Corp phải cắt giảm sản xuất.