Vì sao xu hướng smartphone mỏng cần phải được “khai tử”?
Vì sao xu hướng smartphone mỏng cần phải được “khai tử”?
Nhìn lại năm 2016 sắp sửa qua đi, chúng ta sẽ thấy có nhiều xu hướng thiết kế đang dần trở nên thịnh hành, cùng với đó là những ' kẻ ' sắp hết thời trước khi năm 2017 ' gõ cửa ' đến mọi nhà.
Tuy có nhiều xu hướng thiết kế sẽ nên bị dẹp bỏ trong năm Đinh Dậu, nhưng mình biết chắc có 1 xu hướng sẽ phải được dẹp ra ngay khỏi suy nghĩ của các nhà sản xuất điện thoại ngay trong cuối năm nay và đầu năm tới, đó chính là sản xuất ra smartphone mỏng (hoặc siêu mỏng).
Tại sao lại như thế? Smartphone mỏng như Oppo R5 nhìn thời trang quá luôn đi chứ, hay như mỏng kiểu iPhone 7 trông quá là thời tượng đi mà. Nhưng ngoài việc nhìn cuốn hút, smartphone với độ mỏng hơn mức cho phép, thậm chí là quá mức còn lí do gì để được tồn tại trong thị trường điện thoại nữa hay không?
Mình nghĩ là không. Và hãy để mình giải thích vì sao xu hướng này nên được đưa vào lãng quên nhé.
Điều đầu tiên, bạn hãy thử so sánh độ mỏng giữa iPhone 7 ( 7.1 mm) và Galaxy S7 (7.9 mm) xem. Chỉ nhỉnh nhau có 0.8 mm thôi nhưng đổi lại iPhone 7 phải ' hy sinh ' cổng tai nghe 3.5 mm và nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Hơn nữa, việc chấp nhận thiết kế ra một chiếc smartphone với độ mỏng ấn tượng sẽ phải đánh đổi lấy dung lượng pin của nó. Một lần nữa, chính Apple và Samsung là những người hiểu điều này hơn bao giờ hết.
Điển hình như Galaxy S6 với độ dày chỉ 6.8 mm nhưng bù lại viên pin của nó chỉ là 2550 mAh, một con số quá khiêm tốn cho một chiếc flagship phải ' gồng gánh ' quá nhiều thứ, từ màn hình 2K cho đến bộ cấu hình ' khủng ' của nó.
Sau đó S7 xuất hiện với độ dày lên tới 7.9 mm, tức dày hơn S6 hẳn 1 mm nhưng bù lại viên pin của nó lớn hơn, lên tới 3000 mAh, giúp người dùng không quá lo lắng về vấn đề sạc pin trong ngày và chẳng thấy ai phàn nàn về vấn đề này cả.
Thêm vào đó, việc bó buộc linh kiện, đặc biệt là viên pin, phải nằm trong một không gian quá chật hẹp có thể dẫn tới sự chèn ép dẫn tới cháy nổ. Và có lẽ Note 7 chính là minh chứng cho điều đó.
Theo những nguồn tin được trang AndroidAuthority thu thập, chính việc Note 7 tích hợp viên pin 3500 mAh nằm gói gọn trong độ dày 7.9 mm, tức bằng S7, đã làm sức ép lên viên pin này quá lớn, từ đó có thể là nguyên nhân gây ra sự cố đáng tiếc cho chiếc phablet trên.
Một lý do để xu hướng smartphone với độ mỏng quá ấn tượng nên được ' xếp vào kho ' chính là việc cầm chúng trên tay. Smartphone với độ dày tầm như S7 hay HTC 10 sẽ tjao ra cảm giác đầm tay, chắc chắn hơn so với những chiếc smartphone mỏng sẽ làm người dùng có cảm giác hụt hẫng khi cầm vào chúng. Các góc cạnh cũng sẽ đỡ sắc hơn, cầm bằng một tay cũng khó cấn, mang lại cảm giác dễ chịu cho người dùng.
Sau hết, smartphone mỏng cũng sẽ dễ bị bẻ cong hơn do khung viền của chúng khó chắc chắn bằng smartphone có độ dày vừa phải, nếu sử dụng bạn phải hêt sức nâng niu và đừng bao giờ bỏ vào túi sau nếu không muốn có một phiên bản màn hình cong cực kì khó đỡ.
Tóm lại thì sẽ có những bạn vẫn thích smarpthone phải càng mỏng càng tốt, nhưng thiết nghĩ chỉ vì đánh đổi lấy độ mỏng mà nhận lại nhiều thứ bất tiện như mình vừa nêu, bạn nghĩ rằng điều này đáng để đánh đổi chứ? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.
Nguồn:Tổng hợp